Cách sử dụng thang máy an toàn

Đi thang máy không khó, nhưng cách thao tác điều khiển thang máy như thế nào cho đúng, nhất là cách xử lý trong các tình huống khẩn cấp thì không phải cũng biết hết. Hãy xem hướng dẫn đi thang máy từ Gama Service để biết cách sử dụng thang máy thành thạo, tự tin thao tác điều khiển để xử lý các tình huống rủi ro phát sinh khi đi thang máy để giữ an toàn cho bạn và mọi người xung quanh.

1. Bảng điều khiển người sử dụng và cách thao tác 

Bảng điều khiển thang máy dành cho người sử dụng chia làm 2 phần phần bên trong thang máy (bảng điều khiển cabin) và phần bên ngoài cửa tầng thang máy (bảng điều khiển cửa tầng). 

Bảng điều khiển đặt bên ngoài cửa tầng thang máy

Đây là bảng điều khiển có chức năng gọi thang máy đến tầng hiện tại. Bảng điều khiển này thường chỉ có 1 nút bấm (đối với thang máy gia đình), hoặc 2 nút bấm lên / xuống (đối với thang máy tòa nhà). Khi ấn nút gọi thang, bộ điều khiển của thang máy sẽ tính toán hướng di chuyển để đưa cabin tới vị trí đã gọi thang một cách nhanh nhất. Ngoài nút bấm gọi thang thì bảng điều khiển cửa tầng còn có thêm màn hình hiển thị vị trí tầng hiện tại của cabin thang máy cho biết hành trình của hiện tại của thang máy đang theo hướng nào, vị trí nào.

+ (△) / (▽): nút gọi thang máy đi lên / hoặc đi xuống

+ (◯): nút gọi thường dùng cho thang máy gia đình

- Màn hình hiển thị vị trí, chiều di chuyển hiện thời của thang máy (tùy chọn)

Bảng điều khiển cửa tầng thang máy - (nguồn:gamalift.com)

 

Bảng điều khiển chức năng bên trong cabin

Bảng điều khiển này dùng để chọn tầng, đóng mở cửa, kích hoạt các chức năng cứu hộ... Bảng điều khiển trong cabin thang máy thường thấy có các nút bấm với tính năng như sau:

- Nút (G) ký hiệu cho tầng thấp nhất - tầng trệt trong các chung cư hoặc tòa nhà văn phòng. Với nhà ở gia đình thì có thể thay thế nút (G) bằng nút ký hiệu tầng (1). Bấm nút này, cabin thang máy sẽ di chuyển về tầng thấp nhất. 

- Nút ký hiệu cho các tầng hầm:  ( B ), ( B1 ), ( B2 )...

- Nút ký hiệu cho các tầng trên cao: ( 1 ), ( 2 ), ( 3 ),…

- Nút để đóng nhanh cửa: ( ▷|◁ )

Nút bấm này sẽ giúp bạn đóng cửa nhanh mà không cần phải đợi, thường dùng cho cửa thang máy tự động

- Nút để mở cửa nhanh: ( ◁|▷ )

 Nút bấm này giúp bạn mở cửa ngay mà không cần phải chờ thêm (thường dùng cho cửa thang máy tự động)

- Intercon (điện thoại liên lạc nội bộ). Cửa tầng thang máy và trong cabin sẽ có điện thoại cố định gắn trên vách để liên lạc ra bên ngoài tìm kiếm sự trợ giúp nếu xảy trường hợp người bên trong thang máy bị kẹt 

- Nút cảnh báo tình huống khẩn cấp (Emergency Call) hình chiếc chuông hoặc điện thoại: (🔔) / ( ✆ ). 

Nút này cũng kích hoạt chức năng liên lạc điện thoại giống như Intercon nhưng cao cấp hơn ở chỗ: khi người sử dụng bấm nút này, hệ thống liên lạc điện thoại trong thang máy có thể kết nối đến số điện thoại của nhân viên kỹ thuật thang máy hoặc tổng đài cứu hộ được chỉ định từ trước để thông báo sự cố của thang và yêu cầu trợ giúp.

Bảng điều khiển trong thang máy - (nguồn:gamalift.com)

- Nút kích hoạt chức năng tự cứu hộ SRS (hình tròn, màu đỏ): (🔴)

 Khi đi thang máy mà bạn phát hiện thang máy gặp sự cố như rung lắc, kêu to, mất điện, bạn cần thoát ra khỏi thang càng sớm càng tốt. Hãy bấm và giữ nút này vài giây, chức năng cứu hộ tự động của thang máy sẽ đưa bạn đến cửa tầng gần nhất để bạn ra ngoài.

- Nút kích hoạt tính năng cảnh báo khi bị đột quỵ bên trong thang máy có dạng cần gạt màu đỏ (⭕)  để cảnh báo giúp cho người bên ngoài biết và hỗ trợ cho người bị đột quỵ bên trong cabin kịp thời.

 

2. Cách sử dụng bảng điều khiển để đi thang máy an toàn

Bảng điều khiển thang máy giúp bạn gọi thang, chọn tầng, đóng mở cửa, cảnh báo khẩn cấp… Khi đã nắm rõ tính năng của các nút điều khiển thang máy, bạn sẽ sử dụng thang máy một cách dễ dàng và an toàn.

Cách sử dụng bảng điều khiển cửa tầng

- Khi bạn ở bên ngoài thang máy, muốn gọi cabin thang máy đến vị trí của mình, bạn sẽ bấm vào nút lên (△) / hoặc xuống (▽) theo hướng mà mình muốn di chuyển. Khi ấn vào, các nút điều khiển sẽ sáng lên cho biết chức năng đã kích hoạt, bảng hiển thị trên cửa thang máy sẽ báo số tầng nơi thang máy đi đến. 

- Khi thang máy đến tầng hiện tại và dừng lại, sẽ có tiếng chuông báo để bạn biết được. Hãy chờ cửa mở và vào trong cabin để điều khiển cabin di chuyển đến tầng bạn cần.

 

Cách sử dụng bảng điều khiển bên trong cabin

- Khi bạn đã vào bên trong cabin, cửa thang máy sẽ chờ 3-10 giây (theo mức cài đặt sẵn) rồi tự động đóng lại, bạn có thể ấn nút đóng cửa nhanh để không phải chờ hết thời gian đó.

- Khi thang máy chưa di chuyển, nếu bạn muốn mở lại cửa để ra ngoài hoặc chờ thêm người khác thì hãy ấn nút mở cửa. 

- Sau khi cửa thang đóng kín, bạn chọn đến tầng mình muốn bằng cách bấm nút có số tầng tương ứng : 1,2,3…

- Khi thang máy di chuyển thì bảng điều khiển sẽ có đèn sáng ở nút lên (△) hoặc xuống (▽) theo chiều di chuyển hiện tại của cabin và màn hình trên cửa sẽ hiện số tầng tương ứng.

- Khi thang máy đến tầng đã chọn cabin phát tiếng chuông báo thang máy đã dừng an toàn. Cửa tầng sẽ mở sau 3-10 giây để bạn đi ra ngoài. 

- Điều bạn cần nhớ là để ý lúc ở cửa tầng chờ thang máy thì xem màn hình hiển thị trên cửa tầng để biết cabin đang di chuyển lên hay xuống, có trùng với chiều mình đi không, nếu không thì nên đợi bên ngoài để nhường cơ hội đi thang máy cho người đi lên. Bởi nếu bạn cần đi xuống nhưng lại vào thang máy lúc nó đang đi lên chưa hết hành trình thì vẫn phải đợi thang đi hết hành trình lên rồi nó mới đi xuống

Ngoài ra, khi đi thang máy, bạn cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng thang máy (thường dán trên vách cabin), bao gồm khuyến cáo về mức tải trọng, . Nếu thấy cảnh báo quá tải thì cần di chuyển bớt người hoặc đồ vật ra khỏi thang máy. Cần hạn chế tối đa việc chuyển hàng cồng kềnh, dễ gây mắc kẹt vào cửa cabin.

Các chức năng cứu hộ, xử lý sự cố thang máy sử dụng thế nào?

Như đã mô tả ở trên, trong thang máy có các nút kích hoạt chức năng cứu hộ trong thường hợp xảy ra các tình huống khẩn cấp như mất điện, thang bị kẹt không di chuyển, cửa không mở, thang máy trượt tự do, thậm chí là có cháy nổ… Nếu thang máy không được lập trình sẵn để tự xử lý các tình huống đó thì bạn có thể nhấn nút kích hoạt các chức năng như: báo động, gọi liên lạc nội bộ, hoặc gọi tới số hotline được ghi trong cabin thang máy.

- Chức năng tự cứu hộ SRS: Trường hợp thang máy đang di chuyển nhưng bạn thấy có các rung lắc bất thường, hoặc tiếng kêu to hãy ra khỏi thang nhanh nhất có thể bằng cách nhấn và giữ nút SRS để kích hoạt tính năng tự cứu hộ, cabin thang máy sẽ được đưa về cửa tầng gần nhất để mọi người ra ngoài. 

Khi thang máy mất điện tính năng cứu hộ ARD sẽ tự đưa thang máy về cửa tầng gần nhất để bạn ra ngoài. Nhưng nếu nó không hoạt động, hãy ấn nút tự cứu hộ SRS (🔴) như trên.

- Nếu thang máy bị kẹt mà bạn không thể ra ngoài, hãy bấm nút cảnh báo EMCall (🔔) để gửi thông báo đến trung tâm cứu hộ thang máy. Đồng thời nếu mang theo điện thoại, hãy chủ động gọi đến số máy của kỹ thuật viên được ghi trong cabin để được hỗ trợ. Ví dụ như thang máy do Gama Service lắp đặt thì tính năng EmCall được kết nối đến số điện thoại của nhân viên trực kỹ thuật để sẵn sàng hỗ trợ người sử dụng trong mọi tình huống.

- Nếu tính năng EmCall không hoạt động và không mang theo điện thoại di động thì chiếc điện thoại nội bộ (☏) gắn trên vách cabin sẽ là thiết bị hữu ích để gọi người xung quanh đến hỗ trợ.  

Xem thêm video về thao tác đi thang máy với thang máy cửa tự động

Tìm hiểu thêm về những rủi ro mắc kẹt thang máy mà người sử dụng có thể gặp phải

3. Lưu ý về cửa thang máy để tránh bị kẹt

Cửa thang máy tự động: sử dụng cảm biến hồng ngoại để phát hiện chuyển động qua lại cửa thang. Nếu có vật cản hoặc người ra vào thì cửa thang máy sẽ không đóng. Nếu quá thời gian theo cài đặt mà cửa không đóng thì sẽ có chuông cảnh báo từ cabin thang máy phát ra để người sử dụng có thể kiểm tra và loại bỏ vật cản (nếu có) ra khỏi vùng đóng mở của cửa thang máy.

Đối với cửa thang máy mở tay, có 1 cơ cấu chốt điện tử để phát hiện xem cửa thang máy đã đóng kín chưa, nếu chưa đóng kín thì thang máy sẽ không di chuyển và có chuông cảnh báo để người sử dụng kiểm tra và đóng lại cửa. Do cửa mở tay có cơ chế đóng mở như cửa ra vào phòng, vì thế nó cũng có thể bị kẹt nếu có vật cản nên bạn cũng cần kiểm tra, loại bỏ các vật cản nhỏ giắt vào khe cửa khiến cửa không đóng kín được. 


Qua phần hướng dẫn đi thang máy của Gama Service trên đây, bạn đã phần nào nắm được cách sử dụng thang máy một cách an toàn, hiệu quả. Hãy chia sẻ với bạn bè của mình nội dung này để mọi người cùng hiểu rõ cách đi thang máy nhé.

Bài viết có tham khảo nội dung "Hướng dẫn cách sử dụng thang máy: bảng điều khiển, vận hành, xử lý sự cố" từ Gamalift.com